Trong văn hóa tâm linh, tín ngưỡng ở miền Bắc nước ta có tôn thờ bà chúa Kho, nhưng không phải chỉ một mà có nhiều bà chúa Kho với sự tích, giai thoại khác nhau trong đó, Có một hoàng phi triều Trần cũng được tôn gọi là bà chúa Kho. Nhân dân coi bà là Đức vua Bà, và tôn bà là Bà Chúa Kho làng Quả Cảm hay còn gọi là Bà Chúa Lẫm (kho lẫm).
Đến nay câu chuyện và dấu tích có liên quan vẫn còn được lưu giữ ở quê hương xứ Kinh Bắc của bà. Một trong những nơi thờ tự chính bà chúa Kho triều Trần là đền Quả Cảm ở làng Quả Cảm (tên nôm là Kẻ Gốm), huyện Yên Phong xứ Kinh Bắc (nay thuộc xã Hòa Long, TP Bắc Ninh).

Sự Tích Hoàng Phi Triều Trần Được Tôn Là Bà Chúa Kho
Theo truyền thuyết và tư liệu dân gian ở địa phương, bà chúa Kho tên thật là Trần Thị Ngọc, xuất thân trong gia đình làm nghề gốm, giỏi trồng dâu nuôi tằm và buôn bán, là người có công trong việc khai hoang lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp, dựng kho tàng. Do là con nhà làm gốm nên bà còn được gọi là bà chúa Sành.
Còn theo bản thần phả về bà chúa Quả Cảm thì bà là con một gia đình làm ruộng, làm gốm và có thêm nghề buôn bán; cha họ Trần, mẹ họ Dương đều hiền lành, nhân hậu, ưa làm việc thiện. Khi ấy, hai vợ chồng đều ngoài 30 tuổi mà chưa có con nên rất buồn, họ bàn với nhau sắm sửa lễ vật đi cầu tự ở chùa chiền với lòng thành tâm, kính cẩn.
Nguồn Gốc Bà Chúa Lẫm
Một đêm, người vợ bỗng tỉnh giấc, thấy có một làn hương thơm ngát tỏa khắp nhà hồi lâu chưa tan, bà liền đánh thức chồng dậy, kể lại chuyện lạ đó. Người chồng nói:
– Bất giác có điều gì mà có điềm như vậy, chắc là chuyện lành.
Nói rồi, ông kể cho vợ giấc mơ lạ. Ông nằm mộng thấy Quan Âm bồ tát ngự trên tòa sen, ban cho hai vợ chồng một đám mây đẹp màu trắng. Họ mừng rỡ cúi đầu bái tạ và giơ tay nhận lấy.
Nghe chồng nói, người vợ hết sức ngạc nhiên cho biết, bà cũng có một giấc mơ tương tự như vậy. Từ hôm ấy, người vợ có mang, đủ ngày tháng sinh hạ một người con gái dáng vẻ không trần tục, thật khác thường, đó là mùa xuân năm Giáp Ngọ.
Kể từ khi sinh ra cho đến khi là một cô gái, trong lúc chơi đùa cùng bè bạn, bao giờ nàng cũng đàng hoàng, đĩnh đạc. Lớn lên, trưởng thành, nàng là một thiếu nữ hiền lành, nhã nhặn và đặc biệt xinh đẹp, tài sắc hơn người, trong thần phả có mô tả về nàng như sau:
“Sắc đẹp yêu kiều, tư cách vương phi, có đầy đủ tam tòng, tứ đức, đủ các nết trinh thuận, nụ cười tỏa hàng trăm vẻ đẹp, sắc đẹp như Nga Hoàng con gái của vua Thuấn, chịu khổ chịu khó không ai sánh bằng”.
Giai Thoại Kể Rằng
Vào đời Vua Trần Anh Tông trị vì, một ngày nọ cô gái theo mẹ vào kinh đô Thăng Long buôn bán. Giữa đường gặp xa giá của nhà vua đi qua; hai mẹ con vội nép vào bụi cây ven đường để tránh. Tự nhiên có một viên quan hầu cận vua đi đến bên bụi cây nói rằng:
- Nơi đây bỗng xuất hiện lên một đóa mây trắng, mắt trời đã soi báo, người nào đang trốn ở đây phải ra ngay để nhận lệnh.
Mẹ con Bà bàng hoàng, sợ hãi, vội sửa sang quần áo tề chỉnh ra mắt hoàng đế. Vua Trần Anh Tông thấy trước mặt là một cô gái đẹp tuyệt trần, nối năng lễ độ, ứng đối thông minh nên mới gặp mà đã yêu mến, vua truyền làm lễ đón nàng vào cung, phong làm phi; cha mẹ nàng nhờ đó mà cũng được ban nhiều ân điển.
Công Lao Bà Chúa Lẫm
Không lâu sau, bà được phong làm Hoàng phi đệ tam cung, ban cho 72 trang ấp ở vùng ven cửa sông Ngũ Huyện (còn gọi là sông Ngũ Huyên Khê) thuộc xứ Kinh Bắc làm bổng lộc riêng như Xuân Viên, Đặng Xá, Thượng Đồng, Hạ Đồng, Hữu Chấp….
Có đất, bà mang chia cho dân nghèo không ruộng, hướng dẫn người dân đào mương dẫn nước tưới tiêu, mở đất vỡ hoang, trồng lúa, trồng dâu chăn tằm, xây dựng cuộc sống ấm no.

Ngày nay, một số nơi vẫn còn lưu dấu tích liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, dựng kho tàng chứa thóc gạo dưới sự chỉ đạo của bà chúa, như tại làng Thượng Đồng. Vì Thượng Đồng là nơi bà chúa đặt các kho thóc nên còn có tên Nôm là làng Lẫm (nay thuộc xã Vạn An, TP Bắc Ninh), quanh làng còn những ao, hồ, đầm cổ, những xứ đồng với tên cổ như: đồng Thóc, đồng Gạo, đồng Quan, đồng Phát…
Theo bia văn của đình Thượng Đồng thì tất cả 72 trang, ấp vùng sông Ngũ Huyện Khê đều được thờ Đức Bà (Trần Thị Ngọc) làm phúc thần. Người dân ở địa phương còn cho biết: Khi xưa bởi Thượng Đồng có lợi thế về giao thông và là nơi tập trung kho lương của Bà, tất cả các trang, ấp trong vùng phải tập trung lương thực về Thượng Đồng; vậy nên núi được đặt tên là “núi Lẫm”, làng đặt tên là “làng Lẫm”.
Câu Chuyện Về Bà Chúa Lẫm
Lại có chuyện kể rằng, sau khi trở thành vợ vua, bà đã xin đất cho dân cày cấy, nhà vua đồng ý cho bà đặc ân về quê rắc một năm trấu, trấu trôi theo dòng nước tới đâu thì ruộng đất đó thuộc về Bà.
Đứng trên núi Lẫm. bà chúa ném trấu xuống cánh đồng, trấu trôi đến tận làng Trung Đồng (nay thuộc huyện Việt Yên, Bắc Giang) và xuống đến tận Đại Đồng (nay thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh), với tổng số 72 trang ấp. Đất đó Bà Chúa đem chia cho dân, khuyến khích họ trồng cấy nên dần dần biến nơi đây thành vựa lúa lớn nhất vùng Kinh Bắc.

Riêng làng Quả Cảm là quê của Bà Chúa thì được ưu ái hơn. Giao thoại kể lại là do được lộc bà chúa ban cho mà dân làng Quả Cảm làm ruộng rất ít, chủ yếu làm nghề làm bánh hoặc trồng cây thu quả; còn lúa gạo thì cứ đến các làng Lẫm hoặc Cô Mễ lĩnh về dùng nên mãi về sau này, dân làng Quả Cảm vẫn chủ yếu sản xuất bánh trái và trồng cây nuôi tằm để phát triển kinh tế.
Bà Chúa Lẫm mất khi nào
Truyện kể rằng, vào cung hầu hạ vua được 5 năm thì bà chúa có mang nhưng không may mắc bệnh nặng, phải về quê tĩnh dưỡng. Tại đây, bà sinh con nhưng vì sức yếu, cả hai mẹ con đều mất.
Vua Trần Anh Tông nghe tin cô cùng thương tiếc, khóc than không nguôi và đích thân làm lễ tế, lại truy tặng tước vị Hoàng hậu. Nhà vua còn lệnh cho 72 trang ấp thờ bà làm Phúc Thần và cho quan trong triều hộ tống thi hài về an táng, xây lăng tại địa đầu núi Hoàng Nghênh (còn gọi là núi Hoàng Đệ) thuộc làng Quả Cảm; triều đình còn sắc phong mỹ hiệu cho bà là “Hà Dương Phương Khiết Trai Trang Thục Thân Công chúa”.
Về song thân của bà chúa, khi mất được an táng ở núi Kim Sơn cũng thuộc làng Quả Cảm. Tại đây, đến nay vẫn Còn tấm bia mộ chí với dòng chữ: “Tiên khảo tỷ Trần Dương mộ chí” (mộ chí của cha mẹ, ông họ Trần và bà họ Dương), bia được dựng vào đời vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786).
Dấu tích còn sót lại
Một số địa phương khác có nơi ghi dấu tích của bà Chúa, như thôn Xuân Viên (có tên Nôm là Vườn Đào), tương truyền là vườn hoa của bà Chúa, ngòi “Ba Huyện” là dòng nước do bà chúa khơi đào để lấy nước tưới và đi dạo chơi lúc rảnh rỗi.
Thôn Xuân Ái bên cạnh làng Quả Cảm còn có một khu lăng mộ đá, dân địa phương gọi là lăng Hoàng Tử – nơi chôn cất người con trai của bà chúa…
Lời Kết Câu Chuyện:
Với công lao to lớn chiêu dân lập ấp, biến những vùng đất hoang thành những thửa ruộng trồng lúa, trồng màu, dạy dân cày cấy, làm ăn; chính vì thế cho đến tận ngày nay, người dân vẫn còn tri ân, gửi gắm niềm tin và những lễ vật dâng cúng trong những ngày lễ, ngày giỗ kỵ để thể hiện lòng biết ơn, tạ ơn bà chúa, mong cầu được bà chúa ban cho những điều tốt lành, để cho cái thiện mãi mãi vượt lên trên cái ác, để ấm no sẽ xóa bỏ hết đói nghèo.
Việc tôn thờ Hoàng phi Trần Thị ngọc – người được các triều đại và tâm thức dân gian tôn phong là: Hà Giang công chúa thẩm mỹ tự đức vua Bà, Hà Giang phương khiết trai trang thục thạn công chúa, Hà Giang công chúa nghiêm trang chính trực, Thượng đẳng tối linh, Chủ khố linh từ, bà chúa Kho… chính là sự tôn vinh, ngưỡng vọng một vị nữ thần nông nghiệp – con người hiện thân cho công cuộc trinh phục và khai khẩn vùng đất trũng ven sông Cầu thủa xa xưa.
Trong kho tàng văn hóa Việt Nam đã có rất nhiều vị nữ anh hùng được phong danh hiệu là Bà Chúa Kho và được người dân thờ cúng cho đến ngày nay có thể kể đến như:
Đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh – Nơi thờ Chủ Khố Linh Từ Bà Chúa Kho thời nhà Lý
Đền Bà Chúa Kho Giảng Võ, Hà Nội – Vị nữ anh hùng thời nhà Trần
Bà Chúa Kho Nam Định – Thờ nữ anh hùng thành nam
Nguồn Đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh
Trang Chủ: https://denbachuakho.com.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/denbachuakho
Hotline: 0964.881.678
Có thể bạn quan tâm
Kinh nghiệm du lịch Đền Hùng Phú Thọ cho du khách thăm quan lần đầu
Chùa Keo Thái Bình: Ngôi chùa lâu đời có nét đẹp cổ kính tại Việt Nam
Tìm hiểu tất tần tật về Chùa Hà ở Hà Nội
Khám phá chùa Trấn Quốc – ngôi chùa linh thiêng lâu đời nhất Hà Nội